Để đánh giá tình trạng sức khỏe của gan, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm men gan, đo chỉ số bilirubin, nồng độ protein. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ cách đọc chỉ số xét nghiệm gan. Do đó ở bài viết này, chúng tôi xin phép hướng dẫn quý đọc giả cách đọc kết quả xét nghiệm gan chính xác nhất.
Khi nào cần tiến hành xét nghiệm gan?
Các xét nghiệm chức năng gan giúp bác sĩ kiểm tra được tình trạng gan và phát hiện tổn thương gan nếu có, từ đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Khi cơ thể bạn có các biểu hiện bất thường sau đây cần đi thăm khám ngay:
- Tiểu ít hơn và nước tiểu sẫm màu hơn so với bình thường.
- Hội chứng giả cúm, sốt nhẹ nhưng kéo dài, phát ban nhất thời.
- Mệt mỏi, đau nhức xương khớp không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón, tiêu chảy.
- Có cảm giác sợ mỡ.
- Da sạm đi rõ và hơi vàng.
- Đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn phải.
Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về gan cũng nên thường xuyên đi khám để kiểm tra chức năng gan. Cụ thể:
- Người lạm dụng rượu bia.
- Người sống trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý về gan.
- Người thừa cân, béo phì đặc biệt đang mắc các bệnh lý về tiểu đường, huyết áp.
- Người đang sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến gan.
Nên đi làm xét nghiệm gan khi gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau vùng gan,...
Hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm gan
Xét nghiệm gan được chia thành các nhóm khác nhau như đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan, chức năng tổng hợp và chức năng bài tiết khử độc. Dưới đây là hướng dẫn cách đọc chỉ số xét nghiệm gan:
Các chỉ số xét nghiệm men gan
Men gan thường duy trì ở nồng độ ổn định. Khi men gan tăng cao chứng tỏ đã có viêm hoặc tổn thương thực thể tại gan.
Aspartate aminotransferase (AST): Hiện diện ở nhiều cơ quan khác nhau như cơ xương, cơ tim, cơ vân, gan. Ngoài ra còn có mặt ở thận, não, tụy, phổi, bạch cầu, hồng cầu. Bình thường, hoạt độ AST trong huyết tương là 0 – 35 U/L.
Alanine aminotransferase (ALT): Có mặt chủ yếu ở bào tương của tế bào gan. Vì vậy, khi đánh giá tổn thương tế bào gan ALT nhạy và đặc hiệu hơn AST. Bình thường, hoạt độ ALT trong huyết tương là 0 – 35 U/L.
Các chỉ số xét nghiệm men gan gồm AST, ALT,...
Gamma-glutamyl transferase (GGT): Bình thường ở nữ GGT là 30 U/L, ở nam là 50 U/L và khoảng 6% số người có GGT > 100 U/L. Nguyên nhân tăng GGT thường gặp nhất là bệnh tụy, nhồi máu cơ tim, suy thận, đái tháo đường, nghiện rượu, lạm dụng thuốc (phenytoin, barbiturat).
Phosphatase kiềm (ALP): Enzyme này chủ yếu có ở trong gan, xương, thận, tế bào ruột. Ở người bình thường, hoạt độ ALP nằm trong khoảng 30 – 120 U/L. Ở gan, enzyme này được bài xuất vào mật. Vì vậy, khi tắc mật trong gan hay ngoài gan thì phosphatase đều tăng cao. Tăng ALP ở gan thường đi kèm tăng GGT và 5’ nucleotidase (5 NT).
5’ Nucleotidase (5 NT): Ở người bình thường, 5’ Nucleotidase khoảng 0,3 – 2,6 đơn vị Bodansky/dL. 5 NT là một ALP tương đối chuyên biệt cho tế bào gan có tác dụng xác định tình trạng ALP tăng nguyên nhân do gan hay xương.
Các chỉ số xét nghiệm gan gồm ALP, GGT, 5NT
Chỉ số bilirubin xác định tổn thương gan
Bình thường, bilirubin toàn phần trong huyết thanh dưới 17 µmol/l trong đó chủ yếu là bilirubin tự do. Bilirubin toàn phần tăng nguyên nhân do vàng da tán huyết, viêm gan hay tắc mật. Bilirubin tự do tăng trong vàng da do tán huyết.
Bilirubin niệu thực chất là bilirubin TT (trực tiếp). Ở người bình thường, bilirubin TT nằm trong khoảng 0,2 – 0,4 mg/dl. Bilirubin niệu được phát hiện nhanh qua que nhúng. Khi bilirubin niệu có kết quả dương tính (+) có thể khẳng định bạn đang gặp vấn đề về gan mật.
Một xét nghiệm khác để kiểm tra tình trạng gan là xét nghiệm urobilinogen trong nước tiểu. Urobilinogen trong tá tràng sẽ có khoảng 10% được tái hấp thu vào máu, sau đó bài tiết qua nước tiểu. Không tìm thấy urobilinogen trong nước tiểu nghi ngờ người bệnh có tắc mật.
Amoniac (NH3) huyết thanh đánh giá khả năng thải độc của gan
Xét nghiệm NH3 giúp đánh giá khả năng chuyển hóa và thải độc của gan. Bình thường, NH3 dưới 50 µg/dl máu toàn phần. NH3 máu tăng trong tiền hôn mê và hôn mê gan, bỏng nặng, xuất huyết đường tiêu hóa ở người bị xơ gan. Tuy nhiên, đây không phải là xét nghiệm đặc hiệu.
Xét nghiệm chức năng tổng hợp tại gan thông qua protein
Protein toàn phần là chất hữu cơ quan trọng và có hàm lượng cao nhất trong huyết tương. Hầu hết các protein được tổng hợp ở gan như: Albumin, globulin, fibrinogen,...
- Albumin có tác dụng tạo nên áp suất keo của máu, đóng vai trò vận chuyển một số chất không tan trong nước như bilirubin tự do, acid béo, thuốc,vitamin,… Nồng độ albumin trong huyết thanh bình thường ở nam khoảng 56,67 ± 5,28 g/dL và ở nữ là 53,72 ± 4,26 g/dL. Giảm albumin huyết thanh có thể gặp trong bệnh gan (do giảm sản xuất), bệnh về thận.
- Globulin được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau trên cơ thể. Bất thường globulin thường gặp trong bệnh gan, đặc biệt là xơ gan, viêm gan mạn tính người ta chỉ chú ý đến sự tăng ɣ - globulin.
Gan là nơi tổng hợp các yếu tố đông máu. Vì vậy, khi chức năng gan suy giảm sẽ giảm tổng hợp các thành phần này, cụ thể:
- Fibrinogen: Fibrinogen có trong huyết tương ở người bình thường với hàm lượng 2 – 4 g/L. Fibrinogen giảm trong xơ gan, tăng trong thấp khớp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác.
- Thời gian prothrombin (TQ) là thời gian prothrombin chuyển thành thrombin khi có sự xuất hiện thromboplastin và Ca++ cùng các yếu tố đông máu. TQ tăng trong viêm gan, xơ gan hoặc thiếu hụt vitamin K.
Xét nghiệm bilirubin, albumin, globulin, fibrinogen,... đánh giá chức năng gan
Lưu ý khi làm xét nghiệm gan
Để có kết quả xét nghiệm chức năng gan chính xác, người bệnh nên chú ý thực hiện một số điều sau đây:
- Nhịn đói ít nhất là 6 - 8 giờ trước khi làm xét nghiệm.
- Nên đi kiểm tra vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất.
- Trước khi làm xét nghiệm không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì sẽ ảnh hưởng tới các chỉ số.
- Trước khi làm xét nghiệm không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích khác.
Làm gì khi phát hiện ra bệnh gan?
Khi phát hiện mắc bệnh lý về gan, bạn cần phải bĩnh tĩnh, không nên quá lo lắng mà hãy làm theo các bước dưới đây:
Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh gan
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Lúc này, bạn cần phối hợp với bác sĩ, tuân thủ theo phác đồ điều trị được chỉ định. Nhiều chuyên gia khẳng định: Khi người bệnh nghiêm túc thực hiện phác đồ sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian hồi phục và sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Tuân thủ phác đồ điều trị là yếu tố quan trọng giúp nhanh khỏi bệnh về gan
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tốt cho gan mật
Ở mỗi giai đoạn bệnh sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau nhưng nhìn chung, chế độ ăn cho người gặp vấn đề về gan mật chủ yếu là giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, cân đối các nhóm chất và kiêng những đồ ăn không lành mạnh.
- Bổ sung thực phẩm giàu đạm: Lòng trắng trứng, thịt nạc, cá, đậu phụ,...
- Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi nhằm cung cấp vitamin A, D, B, C cho cơ thể.
- Tăng chất bột đường dễ hấp thu từ các thực phẩm: Gạo, ngũ cốc,…
- Không nên ăn mặn, hạn chế bỏ muối, ớt, sa tế vào thức ăn.
- Hạn chế ăn những thực phẩm đông lạnh, muối chua.
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Không sử dụng rượu bia nếu đang/đã mắc các bệnh về gan.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp giảm gánh nặng trên gan
>>XEM THÊM: Người bị men gan cao nên uống thuốc gì để mang lại hiệu quả?
Sử dụng thảo dược bồi bổ, tăng cường chức năng gan
Để bồi bổ sức khỏe, tăng cường chức năng gan thì việc sử dụng những thảo dược là điều cần thiết. Các thảo dược được chứng minh qua nhiều nghiên cứu có tác dụng bổ gan như kế sữa, cà gai leo,… Cụ thể:
- Kế sữa: Theo nghiên cứu của SS Sun và cộng sự (Trung Quốc, năm 2019), hoạt chất Silybin (tinh chế từ cây kế sữa) kết hợp với phospholipid có tác dụng hướng trúng đích tại tế bào gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và bảo vệ chức năng ty thể.
- Cà gai leo: Một số tác dụng tiêu biểu của cà gai leo như hạ men gan, làm giảm các triệu chứng lâm sàng của bệnh gan.
Các thảo dược có tác dụng bổ gan như kế sữa, cà gai leo
Trên đây là một số thông tin về các chỉ số xét nghiệm cơ bản dùng để đánh giá tình trạng tế bào gan. Hy vọng qua bài viết này quý độc giả sẽ biết được cách đọc chỉ số xét nghiệm gan. Nếu bạn đọc còn bất kỳ câu hỏi nào cần được giải đáp, hãy để lại dưới bình luận. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ trả lời mọi thắc mắc của bạn.
Link tham khảo:
https://www.healthline.com/health/liver-function-tests#types