Cổ trướng là một trong những biến chứng chính của bệnh xơ gan. Xơ gan cổ trướng có tiên lượng xấu và gây ra tỷ lệ tử vong tương đối cao. Do đó, người bệnh cần có một cái nhìn tổng quan về cổ trướng để chủ động hơn trong bảo vệ sức khỏe của mình.
Cổ trướng là gì? Dấu hiệu cổ trướng ở người bệnh xơ gan mất bù
Để hiểu rõ hơn, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về cổ trướng là gì và dấu hiệu cổ trướng ở người bệnh xơ gan mất bù.
Cổ trướng là gì?
Cổ trướng là hiện tượng bụng phình to ra do sự tích tụ chất lỏng trong khoang phúc mạc. Dịch cổ trướng thường trong và có màu hơi vàng. Khoảng 75% số người bị cổ trướng là do xơ gan, còn lại là bởi các nguyên nhân khác như bệnh lý ác tính (10%), suy tim (3%), lao (2%), viêm tụy (1%). Ở người bệnh xơ gan, cổ trướng là hậu quả của sự mất cân bằng giữa áp lực tĩnh mạch cửa và áp lực keo. Cụ thể là áp lực tĩnh mạch cửa tăng dẫn đến nước và các chất bị đẩy ra khỏi lòng mạch. Bên cạnh đó, albumin là chất có vai trò duy trì áp lực keo, giúp giữ nước, các chất ở lại trong lòng mạch. Xơ gan làm mất đi chức năng tổng hợp albumin nên nước và các chất thoát vào khoang bụng, hình thành cổ trướng.
Khoảng 75% số người bệnh bị cổ trướng là do xơ gan
Dựa trên độ nghiêm trọng, cổ trướng được phân loại thành 3 mức:
Độ 1 - nhẹ: Cổ trướng chỉ có thể phát hiện qua khám siêu âm.
Độ 2 - trung bình: Cổ trướng gây căng phình bụng ở mức độ vừa phải.
Độ 3 - nặng: Cổ trướng gây căng phình bụng rõ rệt.
Dấu hiệu cổ trướng ở người bệnh xơ gan mất bù
Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối cùng của bệnh xơ gan. Ở giai đoạn này, các tế bào gan bị hư hại nghiêm trọng, không phục hồi được và làm gan chai cứng dần. Cổ trướng là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh xơ gan mất bù.
Cổ trướng nhẹ có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ khi bụng phình to, tăng cân nhanh chóng thì người bệnh mới phát hiện được. Ngoài ra, cổ trướng ở người bệnh xơ gan mất bù còn có một số triệu chứng như:
- Sưng ở chân và mắt cá chân.
- Khó thở do dịch cổ trướng chèn ép.
- Cảm giác nhanh no, đầy hơi, phình bụng.
- Các vấn đề về tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, khó tiêu, táo bón.
- Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân.
Người mắc biến chứng cổ trướng thường xuyên cảm thấy khó thở, phình bụng và buồn nôn
>>> XEM THÊM: Xơ gan cổ trướng - Nguyên nhân, cách điều trị hiệu quả
Xơ gan cổ trướng có nguy hiểm không?
Xơ gan cổ trướng có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong lần lượt là 15% sau 1 năm và 55% sau 5 năm theo dõi. Một số biến chứng mà xơ gan cổ trướng gây ra:
Nhiễm trùng phúc mạc
Vi khuẩn tự phát trong dịch cổ trướng có thể gây ra viêm phúc mạc với các triệu chứng sốt, đau bụng và buồn nôn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, nhiễm khuẩn huyết nặng. Viêm phúc mạc thường chỉ do một căn nguyên vi khuẩn gây bệnh duy nhất, phổ biến nhất là Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và Streptococcus pneumoniae. Nhiễm trùng phúc mạc được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Sau khi các triệu chứng đã dần ổn định, người bệnh thường phải điều trị bằng kháng sinh đường uống để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Tràn dịch phổi trong hội chứng cổ trướng
Dịch cổ trướng tích tụ trong bụng sẽ đổ tràn vào khoang phổi (thường ở bên phải). Thông thường, khi lượng dịch tràn vào lớn hơn 500ml thì người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, ho và tức ngực.
Suy thận sau biến chứng cổ trướng
Ở người suy gan nặng, cổ trướng có thể dẫn đến suy thận hay còn gọi là hội chứng gan thận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do nhiễm trùng dịch cổ trướng hoặc rút quá nhiều dịch cổ trướng mà không truyền đủ huyết tương tươi đông lạnh.
Cổ trướng gây ra hội chứng gan thận
Biến chứng thoát vị rốn
Sự gia tăng áp lực trong ổ bụng có thể dẫn đến thoát vị rốn và gây khó chịu ở bụng. Can thiệp bằng phẫu thuật thường được chỉ định khi có cơn đau dữ dội với bằng chứng cho thấy ruột hoặc mô bị chèn ép.
Hội chứng cổ trướng có chữa khỏi được không?
Triệu chứng cổ trướng có thể được kiểm soát bằng thuốc, chọc hút dịch và truyền albumin.
Điều trị cổ trướng bằng thuốc
Thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng phúc mạc, giảm phình bụng và kiểm soát căn nguyên gây xơ gan, viêm gan.
- Đối với người bệnh xơ gan mất bù do nhiễm virus viêm gan mạn tính: Thuốc điều trị đặc hiệu virus viêm gan B thường được sử dụng là Tenofovir, Lamivudine, Adefovir. Đối với virus viêm gan C điều trị bằng Sofosbuvir/Velpatasvir hoặc Glecaprevir/Pibrentasvir trong 8 tuần.
- Thuốc điều trị viêm gan tự miễn: Methylprednisolon tiêm tĩnh mạch với liều 60mg/ngày.
- Thuốc lợi tiểu: Spironolactone với liều khởi đầu 100 - 200mg/ngày là lựa chọn được ưu tiên. Điều trị đơn độc với thuốc lợi tiểu quai như Furosemide kém hiệu quả hơn và không được khuyến cáo. Furosemid chỉ được sử dụng kết hợp thêm với mức liều 20 - 40mg/ngày trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với Spironolactone ở mức liều 200mg/ngày trong vòng hai tuần đầu.
Thuốc lợi tiểu được lựa chọn đầu tay cho người xơ gan cổ trướng
Chọc hút dịch cổ trướng
Đối với người bệnh cổ trướng nặng hoặc tái phát nhiều lần thì chọc hút dịch cổ trướng là phương pháp an toàn và hiệu quả. Thủ thuật này sử dụng một cây kim dài và nhỏ xuyên qua thành bụng để loại bỏ dịch cổ trướng. Các nghiên cứu cho thấy, chọc dò 4 - 6 lít/ngày và truyền albumin (8g/lít dịch cổ trướng được loại bỏ) hiệu quả hơn và có ít biến chứng hơn so với điều trị bằng thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, có tới 93% số trường hợp cổ trướng tái phát nếu việc điều trị bằng thuốc lợi tiểu không được bắt đầu lại.
Kiểm soát cổ trướng bằng chế độ ăn uống
Hạn chế lượng natri vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc lợi tiểu và điều trị bệnh cổ trướng nhanh hơn. Các khuyến cáo chỉ ra rằng, nên hạn chế muối ăn ở mức 2g/ngày bằng cách áp dụng chế độ ăn không thêm muối và tránh thực phẩm chế biến sẵn có chứa muối. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý một số thuốc thường dùng dạng sủi cũng có thể chứa hàm lượng muối cao.
Một điều cần lưu ý là điều trị cổ trướng bằng phương pháp hạn chế natri (không dùng thuốc) chỉ có thể áp dụng ở những người bệnh có lượng natri bài tiết qua thận trong 24 giờ trên 80 mmol. Đối với người bệnh đào thải natri dưới 80 mmol trong 24 giờ cần điều trị bằng thuốc lợi tiểu.
Hạn chế lượng muối ăn hàng ngày giúp điều trị bệnh cổ trướng nhanh hơn
Sử dụng thảo dược hỗ trợ điều trị cho người bệnh xơ gan cổ trướng
Các phương pháp như sử dụng thuốc lợi tiểu, chọc hút dịch cổ trướng nhằm điều trị triệu chứng ở người xơ gan, giúp người bệnh giảm bớt cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Tuy nhiên, mục tiêu điều trị cuối cùng ở người xơ gan cổ trướng vẫn là tăng cường chức năng gan, bảo vệ các tế bào gan chưa bị tổn thương. Trong dân gian, nhiều loại thảo dược từ lâu đã được sử dụng giúp người bệnh tái tạo, cải thiện chức năng gan. Trong số đó phải kể đến cây kế sữa với hoạt chất chính là Silybin.
Silybin là thành phần tách chiết từ hỗn hợp flavonoid của cây kế sữa, có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và bảo vệ tế bào gan. Với sự phát triển của công nghệ, các nhà khoa học đã tạo ra phức hợp Silybin phospholipids nhằm tăng tác dụng hướng trúng cơ quan đích tại gan, tăng hiệu quả khi sử dụng với lượng nhỏ hơn. Theo nghiên cứu năm 2019 của nhóm tác giả tại Trung tâm nghiên cứu bệnh gan Trung Quốc, phức hợp Silybin phospholipids có tác dụng giảm tổn thương do bệnh lý gan nhiễm mỡ và giúp bảo vệ cấu trúc gan.
Phức hợp Silybin phospholipids cho tác dụng hướng đích, mang lại hiệu quả vượt trội
Ngoài cây kế sữa, một số thảo dược cũng được biết đến với tác dụng chống viêm, giải độc gan, ức chế sự phát triển của xơ gan như diệp hạ châu, cà gai leo, cây lồng đèn,…
- Diệp hạ châu: Trong y học cổ truyền, diệp hạ châu có vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Tác dụng nổi bật là thanh can, giải độc và thường được dân gian sử dụng trong điều trị các bệnh lý về gan. Trong y học hiện đại, diệp hạ châu được sử dụng nhằm tăng cường và phục hồi chức năng gan, giúp gan chống lại các tác nhân độc hại.
- Cà gai leo: Cà gai leo có vị hơi the, đắng, tính ấm, được ứng dụng trong y học để giải độc gan, bảo vệ gan, ức chế sự phát triển của xơ gan.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cổ trướng?
Bệnh cổ trướng không thể chữa trị dứt điểm nhưng có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện sớm. Hạn chế những việc làm khiến gan bị tổn thương nặng hơn giúp bạn tránh được biến chứng cổ trướng.
- Hạn chế tối đa rượu bia.
- Tập luyện thể dục thể thao và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh cho gan. Hạn chế ăn mặn là một trong những biện pháp phòng ngừa cổ trướng hiệu quả nhất.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan virus.
- Không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc tây y để điều trị.
Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp chủ động phòng ngừa bệnh xơ gan cổ trướng
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc cổ trướng là gì? Bệnh cổ trướng có chữa khỏi được không? Một khi xơ gan đã tiến triển đến giai đoạn cổ trướng thì rất khó để hồi phục lại chức năng gan như ban đầu. Do đó, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, tránh các tác nhân làm tổn thương đến gan. Bên cạnh đó, sử dụng sản phẩm từ thảo dược để chủ động bảo vệ lá gan ngay từ hôm nay là điều vô cùng cần thiết. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về bệnh cổ trướng cũng như sản phẩm thảo dược, vui lòng comment câu hỏi dưới bài viết để nhận sự hỗ trợ miễn phí từ chuyên gia.