Chỉ số men gan tăng cao là hiện tượng tế bào gan bị tổn thương. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như: Viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan,... Do đó, việc phòng ngừa và điều trị men gan cao là vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Men gan cao là gì?

Men gan là một loại emzyme bình thường nằm trong tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể. Có 4 loại men gan chủ yếu đó là: ALT, AST, GGT, ALP. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa, sẽ có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40 UI/L. Men gan bình thường sẽ có chỉ số như sau: ALT: 20 - 40 UI/L; AST: 20 - 40 UI/L, ALP: 30 - 110 UI/L; GGT: 20 - 40 UI/L. Tuy nhiên, khi những chỉ số này đo được cao quá mức bình thường thì được gọi là men gan cao.

Men gan cao thường là hệ quả của tình trạng tế bào gan bị tổn thương do: Virus, bia rượu, ảnh hưởng bởi thuốc,... Men gan cao được phân loại thành 3 mức độ:

  • Mức độ nhẹ: Chỉ số men gan tăng cao < 5 lần so với mức bình thường.
  • Mức độ trung bình: Chỉ số men gan tăng cao gần 5 - 10 lần so với mức bình thường.
  • Mức độ nặng: Chỉ số men cao > 10 lần so với mức bình thường.

Nguyên nhân gây tăng men gan

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng men gan tăng cao như: Lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh, ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc,... Đặc biệt, men gan tăng còn là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, cụ thể là:

  • Gan nhiễm mỡ: Bệnh xảy ra khi chất béo tích tụ nhiều trong gan. Nếu sự tích tụ này là do uống rượu, thì được gọi là gan nhiễm mỡ do rượu. Khi rượu không phải là yếu tố gây bệnh, sự tích tụ chất béo trong gan được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Gan nhiễm mỡ gây men gan tăng cao

  • Viêm gan: Viêm gan do virus là nguyên nhân gây tăng men gan nguy hiểm nhất. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhân lên và làm hủy hoại tế bào gan. Tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều, thì lượng men gan giải phóng ra càng nhiều. Bởi vậy, trong những trường hợp viêm gan cấp tính, chỉ số men gan tăng nhanh một cách đột biến.
  • Bệnh đường mật: Men gan tăng cũng có thể do những bệnh về đường mật như: Sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, u đường mật, viêm túi mật,...
  • Do một số bệnh lý khác: Nghiên cứu cho thấy, men gan tăng còn có thể do mắc những bệnh do ứ sắt, viêm gan tự miễn. Một số người bị tăng mỡ máu, dùng thuốc giảm mỡ máu cũng có thể làm tăng men gan, nhưng khi ngừng thuốc, men gan trở về chỉ số bình thường.

Cách phòng ngừa và điều trị men gan cao

Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn tới những biến chứng khó lường. Do đó, việc phòng ngừa và điều trị đúng cách là rất cần thiết. Người bệnh nên áp dụng một số phương pháp sau đây:

  • Hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia. Đồng thời, bạn nên tránh xa thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ vì chúng sẽ tạo thêm gánh nặng cho gan. Thịt đỏ và gia vị cay nóng cũng là nhóm thực phẩm bạn cần giới hạn chế tiêu thụ vì chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới gan.

Người bị men gan cao nên hạn chế ăn thịt đỏ

  • Duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, không thức khuya và làm những công việc quá sức.
  • Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng những loại thuốc có nguy cơ gây hại cho gan.
  • Uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, khoáng chất, vitamin,...

Để điều trị men gan cao hiệu quả thì cần căn cứ vào tình trạng, nguyên nhân, cơ chế của bệnh. Cụ thể là:

  • Nếu men gan tăng do viêm gan virus thì cần điều trị theo phác đồ. Người bệnh sử dụng thuốc kháng virus để ức chế sự hoạt động của virus, hạ men gan và bảo vệ gan.
  • Nếu men gan cao do sử dụng rượu bia, thì việc điều trị hiệu quả nhất chính là từ bỏ thói quen dùng thức uống chứa cồn. Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp với những sản phẩm thảo dược giúp tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị men gan cao.
  • Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, giúp phục hồi và bảo vệ lá gan.