Viêm gan B gồm 2 giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Viêm gan B mạn tính nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng đe dọa tới tính mạng người bệnh như xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan,... Vậy làm thế nào để phát hiện sớm viêm gan B mạn tính? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Viêm gan B mạn tính là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Viêm gan B mạn tính là một trong những bệnh lý thường gặp ở gan do virus HBV thuộc họ Hepadnaviridae gây ra và kéo dài ít nhất 6 tháng. Viêm gan B mạn tính thường là hậu quả của viêm gan B cấp tính. Bệnh tiến triển trong âm thầm và người mắc gần như không có triệu chứng nào đặc biệt.
Viêm gan B do virus HBV gây ra
Triệu chứng viêm gan B mạn tính
Triệu chứng viêm gan B mạn tính phụ thuộc vào mức độ tổn thương gan. Giai đoạn mới nhiễm virus, biểu hiện lâm sàng thường khá mờ nhạt hoặc gần như không có. Tuy nhiên, cơ thể người nhiễm virus sẽ có các phản ứng như:
- Mệt mỏi.
- Sốt nhẹ nhưng kéo dài.
- Có những thay đổi về màu da: Da vàng kèm theo cảm giác ngứa, lòng bàn tay son.
- Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng như chán ăn, buồn nôn/nôn, đầy bụng, táo bón, đi ngoài phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu.
- Đau tức vùng gan (hạ sườn phải).
- Khi tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng có thể gặp các triệu chứng của bệnh não gan như thiếu tập trung, lơ mơ, suy giảm trí nhớ, co giật, hôn mê.
Để chẩn đoán xác định viêm gan B mạn tính, bác sĩ thường dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng: AST, ALT, Bilirubin, kháng nguyên HBsAg và kháng thể anti-HBc IgM.
Các triệu chứng viêm gan B mạn tính bao gồm sốt, mệt mỏi, vàng da,...
Viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không?
Viêm gan B mạn tính không được phát hiện sớm và có phương hướng điều trị phù hợp sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như:
- Xơ gan: Viêm gan không được điều trị sẽ hình thành nên các mô xơ, mô sẹo và tiến triển sang xơ gan.
- Suy gan cấp: Biến chứng nguy hiểm của viêm gan B mạn tính là hội chứng suy tế bào gan. Suy gan cấp có thể dẫn tới suy đa tạng, suy hô hấp và tử vong.
- Ung thư biểu mô tế bào gan: Đây chính là giai đoạn cuối cùng của viêm gan B mạn tính. Người xơ gan trên nền viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô tế bào gan.
Viêm gan B mạn tính tiến triển thành xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan
>>XEM THÊM: Viêm gan B có nguy hiểm không? Tiến triển bệnh như thế nào?
Phương pháp điều trị viêm gan B mạn tính
Tùy thuộc vào giai đoạn của viêm gan B và thể trạng người bệnh mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
Nguyên tắc điều trị viêm gan B mạn tính
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm viêm gan B. Các phương pháp chủ yếu là điều trị hỗ trợ, giảm tải lượng virus và tăng cường chức năng gan:
- Không dùng corticoid trong điều trị.
- Nguyên tắc vàng trong điều trị viêm gan B mạn tính là người bệnh phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không dùng rượu bia và tránh các thuốc chuyển hóa qua gan.
- Sử dụng các phương pháp bổ trợ, tăng cường chức năng gan.
Điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B
Hiện nay, không có thuốc loại bỏ hoàn toàn được virus viêm gan B ra khỏi máu. Các thuốc kháng virus giúp giảm tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, một số thuốc được lựa chọn như:
- Tenofovir (liều dùng 300 mg/ngày) hoặc Entecavir (liều dùng 0,5 mg/ngày).
- Lamivudine (liều dùng 100 mg/ngày) sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.
- Adefovir dùng phối hợp với Lamivudine trong trường hợp có kháng thuốc.
Viêm gan B mạn tính được điều trị bằng thuốc kháng virus HBV
Sử dụng các thảo dược tăng cường chức năng gan
Tính đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu trên một số loại thảo dược tác dụng rất tốt trên tế bào gan như kế sữa, cà gai leo, diệp hạ châu đắng,.. Trong đó:
- Kế sữa: Thành phần chính trong kế sữa là Silymarin được chiết xuất từ hạt của cây có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ gan rất tốt. Trong đó, thành phần Silybin (tinh chế từ hỗn hợp flavonoid Silymarin) có tác dụng chống viêm, bảo vệ tế bào từ đó giúp bảo vệ gan. Đặc biệt, vào năm 2019 ở Trung Quốc, tại Trung tâm nghiên cứu bệnh gan, nhóm gồm SS Sun và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu phức hợp Silybin phospholipids chỉ ra rằng: Phức hợp này có tác dụng làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ, giảm sưng ty thể và bảo vệ cấu trúc tế bào gan do Amiodarone (thuốc chống loạn nhịp).
- Cà gai leo: Đây là một thảo dược quý có nguồn gốc ở nước ta. Bộ phận dùng của cà gai leo là cành lá và rễ. Theo y học cổ truyền, cà gai leo có tác dụng giảm đau, cầm máu, tiêu độc vì thế được sử dụng trong nhiều bài thuốc giải độc gan. Theo tây y, cà gai leo là thảo dược có tác dụng hạ men gan và giảm nồng độ virus viêm gan trong máu.
- Diệp hạ châu đắng: Dựa trên nghiên cứu của Rajesh và cộng sự ở Ấn Độ năm 2011, hoạt chất phyllanthin trong cây diệp hạ châu đắng có tác dụng làm giảm tổn thương ở gan do các chất độc hại, giảm độc tố ở tế bào ung thư gan, bảo vệ enzym gan và hạ men gan.
Các thảo dược có tác dụng bảo vệ tế bào gan gồm kế sữa, cà gai leo, diệp hạ châu đắng,...
Kế hoạch theo dõi sau điều trị viêm gan B
Sau khi ngưng điều trị, người bệnh và gia đình sẽ được lên kế hoạch theo dõi các triệu chứng lâm sàng nhằm phòng ngừa cũng như phát hiện sớm tái phát.
Theo dõi các triệu chứng sau trên lâm sàng:
- Theo dõi màu sắc nước tiểu, đo lượng nước tiểu người bệnh hàng ngày.
- Theo dõi màu da người bệnh.
- Theo dõi kích thước gan to hay nhỏ thông qua sờ bề mặt bụng phần hạ sườn phải. Kiểm tra xem người bệnh còn đau tức vùng gan nữa không.
- Theo dõi và làm xét nghiệm 3 – 6 tháng/lần để đánh giá các chỉ số ALT, AST, bilirubin, sắc tố mật, HBsAg,...
Viêm gan B mạn tính lây qua đường nào?
3 con đường chính lây nhiễm viêm gan B mạn tính, bao gồm:
- Lây từ mẹ sang con: Đây là con đường lây nhiễm thường gặp nhất ở nước ta. Mẹ thường lây nhiễm virus HBV cho con trong quá trình chu sinh tức là bắt đầu từ tuần 28 của thai kỳ tới ngày thứ 7 sau sinh. Với phụ nữ mang thai nhiễm virus HBV thì nguy cơ lây nhiễm cho trẻ lên tới 90% nếu như không có biện pháp phòng ngừa trước và sau khi sinh.
- Lây nhiễm qua đường máu: Thường gặp ở các đối tượng truyền máu không an toàn, làm móng, xăm hình, xăm môi, tiêm chích ma túy,...
- Lây qua đường tình dục: Quan hệ không có biện pháp bảo vệ, quan hệ đồng giới nam, quan hệ với nhiều bạn tình mắc HBV sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus viêm gan B.
Viêm gan B lây từ mẹ sang con, lây qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn
Cách phòng ngừa viêm gan B mạn tính
Để hạn chế nguy cơ mắc viêm gan B mạn tính, chúng ta cần thực hiện các biện pháp để phòng ngừa như sau:
- Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, nước uống có gas.
- Khi quan hệ tình dục nên sử dụng bao cao su để làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Không quan hệ với nhiều người và không nên quan hệ bằng miệng vì không những bạn có thể bị nhiễm virus viêm gan B mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý khác như sùi mào gà.
- Trước khi quyết định mang thai, cả bố và mẹ nên đi thăm khám sức khỏe phòng trường hợp bị viêm gan B thì sẽ được điều trị sớm để làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho bé.
- Nếu mẹ mắc viêm gan B, trẻ sinh ra cần được tiêm phòng ngay vaccine ngừa viêm gan và kháng thể kháng HBV.
- Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người già.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt các đồ như: Bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ chăm sóc móng tay/chân.
Tiêm vaccine viêm gan B là cách phòng ngừa tốt nhất
Những thắc mắc về bệnh viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính là bệnh phổ biến hiện nay, vì vậy có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như bị viêm gan B sinh con được không? Bị viêm gan B có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Viêm gan B mạn tính phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Tiêu chuẩn được miễn nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo điều 41 của Luật nghĩa vụ quân sự 2015. Khi bạn bị bệnh viêm gan B mạn tính nếu đang điều trị được xếp vào đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự do chưa đủ sức khỏe.
Bị viêm gan B mạn tính có sinh con được không?
Bị viêm gan B mạn tính vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường. Tuy nhiên, để sinh con ra khỏe mạnh, người mẹ cần tới các cơ sở y tế để thăm khám thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng. Từ đó bác sĩ sẽ nắm rõ tình hình bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau khi trẻ sinh ra, bố mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine viêm gan B và kháng thể kháng virus HBV.
Bài viết trên là toàn bộ thông tin về bệnh “viêm gan B mạn tính”. Hy vọng bạn đọc đã nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng của bệnh cũng như biết cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu như bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy để lại thông tin liên lạc bên dưới phần bình luận.
Tài liệu tham khảo
https://www.nhs.uk/conditions/hepatitis-b/treatment/
https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/surv-manual/chpt04-hepb.html
https://www.healthline.com/health/is-hepatitis-b-curable#acute-vs.-chronic