Viêm gan C nếu không được điều trị tích cực, bệnh có thể chuyển biến xấu sang xơ gan, ung thư gan tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc biết viêm gan C lây qua đường nào và nắm vững cách phòng ngừa căn bệnh này là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết dưới đây.

3 con đường lây nhiễm của viêm gan C

Bệnh viêm gan C do virus siêu vi viêm gan C (Hepatitis C virus - HCV) gây ra. Đây là loại virus dễ lây truyền và được coi là virus nguy hiểm nhất trong tất cả các bệnh viêm gan siêu vi vì đây là virus mạch đơn, xâm nhập thẳng vào cơ thể qua đường máu rồi tấn công phá hủy tế bào gan dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan. Viêm gan C được lây truyền chủ yếu qua 3 con đường: Đường máu, đường tình dục, từ mẹ sang con. Cụ thể:

Viêm gan C lây truyền qua đường máu

Nguy cơ lây nhiễm viêm gan C chủ yếu qua đường máu, khi một người lành tiếp xúc trực tiếp với máu người mang virus viêm gan C. Cụ thể như:

  • Dùng chung kim tiêm nhiễm virus siêu vi C.
  • Dùng chung các vật dụng cá nhân có thể gây trầy xước, chảy máu như: Bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay, cây lấy ráy tai, cây gãi lưng, dụng cụ cạo gió, lược chải đầu…
  • Xăm hình, bấm lỗ tai, châm cứu mà các vật dụng hành nghề chưa được xử lý vô trùng. 
  • Chạy thận dài ngày, dùng chung trang thiết bị y khoa bị nhiễm HCV chưa được xử lý vô khuẩn cũng có thể bị lây nhiễm viêm gan C.

viem-gan-c-duoc-lay-qua-duong-mau.jpg

Viêm gan C được lây qua đường máu

Viêm gan C lây nhiễm qua đường tình dục

Người lành có thể bị nhiễm virus siêu vi C nếu quan hệ tình dục không an toàn với người đã nhiễm bệnh. Nếu trong tinh dịch của người đàn ông mắc bệnh viêm gan C có chứa máu, thông qua các vết xước ở niệu đạo trong quá trình quan hệ tình dục, HCV có thể tấn công người lành một cách dễ dàng.

Viêm gan C lây truyền từ mẹ sang con

Virus viêm gan C truyền từ mẹ sang con chỉ chiếm khoảng 5% trong các con đường lây nhiễm. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn có thể chủ quan với nguy cơ lây bệnh này. Người mẹ mắc viêm gan C trong quá trình mang bầu có thể lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Cụ thể vào thời điểm sinh nở, nhau thai bong tróc thì virus HCV sẽ tấn công trẻ bất kể phương pháp là sinh thường hay sinh mổ.

Virus viêm gan C không lây nhiễm qua sữa mẹ nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo người bệnh không nên cho con bú trực tiếp. Các bà mẹ mắc viêm gan C có thể vắt sữa rồi hãy cho con ti qua bình để tránh việc đầu vú trầy xước có thể truyền bệnh cho bé.

Ngoài 3 con đường lây nhiễm kể trên, nhiều người bệnh vô tình mắc viêm gan C mà không rõ nguyên do. Có thể người bệnh đã vô tình nhiễm virus HCV trong khi té ngã, đứt tay, trầy xước,… Thăm khám định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết là cách duy nhất để biết chính xác mình có mắc viêm gan C hay không.

Cách phòng ngừa viêm gan C

Để phòng ngừa viêm gan C, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt lành mạnh, khoa học

  • Ăn đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất và nguồn chất béo lành mạnh cho cơ thể.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn hàng quán.
  • Uống nhiều nước để tăng cường đào thải độc tố, giữ lá gan khỏe mạnh.
  • Tập thể dục thể thao khoảng nửa tiếng mỗi ngày để nâng cao hệ miễn dịch trước virus, vi khuẩn mang bệnh.

Tránh xa nguy cơ lây nhiễm

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như: Bàn chải, dao cạo, nhíp, bấm móng tay,…
  • Lựa chọn cơ sở khám y tế uy tín, khử khuẩn vô trùng để bảo đảm sức khỏe chính bản thân.
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, chung thủy 1 vợ 1 chồng và luôn có biện pháp bảo vệ. Nói không với hoạt động mại dâm hay quan hệ tập thể bừa bãi.

Chủ động khám định kỳ gan mật

Việc khám sức khỏe gan mật thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện viêm gan C từ giai đoạn sớm. Điều này giúp bảo vệ người thân của chính bạn, đồng thời giúp điều trị kịp thời, ngăn những biến chứng xấu.

chu-dong-kham-suc-khoe-dinh-ky.jpg

Chủ động khám sức khỏe định kỳ