Viêm gan là tình trạng tổn thương các tế bào gan, khiến chức năng gan suy yếu dần. Bệnh viêm gan có thể là hậu quả từ tác hại của rượu bia, các thuốc độc với gan, viêm gan tự miễn,... Tuy nhiên, virus viêm gan vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những điều cần biết về 5 loại bệnh viêm gan virus hiện nay.
Bệnh viêm gan virus là gì?
Viêm gan virus là bệnh lý nhiễm trùng và tổn thương các tế bào gan do virus gây ra. Mặc dù các loại virus có thể gây ra những triệu chứng giống nhau, tuy nhiên con đường lây truyền và mức độ ảnh hưởng đến gan có sự khác nhau. Bệnh viêm gan virus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Viêm gan virus gây viêm và làm tổn thương tế bào gan
Các nguyên nhân gây bệnh viêm gan virus
Có nhiều loại virus gây bệnh viêm gan nhưng phổ biến nhất là 5 loại: Virus viêm gan A, B, C, D, E.
Viêm gan do virus viêm gan A
Viêm gan virus A là bệnh viêm gan cấp tính do virus viêm gan A gây ra, thường gặp nhất ở lứa tuổi 5 - 14. Bệnh lây qua đường tiêu hóa (nước bọt - phân) nên rất dễ truyền nhiễm và thường dẫn đến các đợt dịch bùng phát lớn. Người mắc virus viêm gan A thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
Bệnh viêm gan A không tiến triển thành mạn tính. Bệnh thường diễn biến lành tính, khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp viêm gan A diễn biến nặng gây suy gan cấp và tử vong. Sau khi nhiễm virus viêm gan A thì người bệnh thường có miễn dịch suốt đời.
Viêm gan A thường gặp ở lứa tuổi 5 - 14
Viêm gan do virus viêm gan B
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus HBV gây ra. Con đường lây truyền bệnh chủ yếu qua máu, đường tình dục hoặc từ mẹ truyền sang con.
Viêm gan B có thể diễn biến cấp tính trong một thời gian ngắn (trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi tiếp xúc với mầm bệnh chứa virus viêm gan B). Người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng hoặc xuất hiện ở mức độ nhẹ.
Khoảng 10% số người bệnh viêm gan B diễn biến thành viêm gan mạn tính và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, thậm chí tử vong.
Không giống như viêm gan A, bệnh viêm gan B rất hiếm khi lây qua đường ăn uống.
Viêm gan B lây truyền qua 3 con đường: Máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con
>> Xem thêm: Viêm gan B là gì? Những triệu chứng viêm gan B bạn cần biết
Viêm gan do virus viêm gan C
Viêm gan do virus C là bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ mắc từ 1 - 3% dân số. Bệnh viêm gan C lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ truyền sang con. Thời gian ủ bệnh viêm gan C trung bình từ 2 - 12 tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây.
Người mắc viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hơn một nửa số người bệnh viêm gan C sẽ phát triển thành nhiễm trùng mạn tính với các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.
Viêm gan do virus viêm gan D
Viêm gan D chỉ xảy ra ở những người đã bị nhiễm virus viêm gan B trước đó. Viêm gan D có thể gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn thậm chí tiến triển thành biến chứng đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa bệnh. Do đó, điều trị và phòng ngừa viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm gan D.
Viêm gan D có thể gây tổn thương gan vĩnh viễn
Viêm gan do virus viêm gan E
Viêm gan E là bệnh nhiễm trùng hay gặp ở các nước với nguồn cung cấp nước không đầy đủ và điều kiện vệ sinh môi trường kém. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và từ việc tiêu thụ thịt động vật có vú mang mầm bệnh chưa được nấu chín như thịt lợn, thịt hươu. Viêm gan E có thể diễn biến thành bệnh mạn tính, đặc biệt ở những người ghép tạng đang được điều trị ức chế miễn dịch.
Các dấu hiệu điển hình của bệnh viêm gan virus
Dấu hiệu của viêm gan virus thường giống nhau giữa các loại virus gây bệnh. Một số triệu chứng viêm gan virus điển hình thường gặp như:
- Sốt.
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng.
- Vàng da.
- Nước tiểu trở nên sậm màu, phân màu đất sét.
Các loại virus thường gây ra các triệu chứng viêm gan giống nhau
Không phải tất cả những người nhiễm virus viêm gan đều có triệu chứng rõ ràng. Trong bệnh viêm gan A, có khoảng 70% trường hợp nhiễm trùng ở trẻ dưới 6 tuổi không xuất hiện triệu chứng.
Bệnh viêm gan virus có nguy hiểm không?
Ở một số người bệnh, tình trạng viêm gan có thể gây tổn thương nhẹ và tự phục hồi. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh thường gây tổn thương nặng hơn, dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan.
Ở các giai đoạn này, các tế bào bị hư hại nặng, chai cứng dần, mất đi chức năng hoạt động và việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Dưới đây là một số báo cáo về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan virus.
- Theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, trong số 100 người bị nhiễm virus viêm gan C, có khoảng 5 - 25 người sẽ phát triển thành xơ gan trong vòng 10 – 20 năm. Trong số đó, có 1 – 4% khả năng tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan và nguy cơ tử vong trong năm tiếp theo chiếm tỷ lệ 15 – 20%.
- Tại Hoa Kỳ, trong năm 2018 ghi nhận 1649 ca tử vong do HBV gây ra.
- Đối với đợt bùng phát bệnh viêm gan E, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, viêm gan E có thể là bệnh nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai. Tỷ lệ tử vong lên tới 10 –30% ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba.
Viêm gan virus gây biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan
Điều trị bệnh viêm gan virus
Phác đồ điều trị bệnh viêm gan virus bao gồm dùng thuốc ức chế sự nhân lên của virus, kiểm soát triệu chứng và phục hồi lại chức năng gan.
Điều trị virus gây bệnh
Điều trị căn nguyên gây bệnh - virus là yếu tố tiên quyết:
- Viêm gan virus A, D, E: Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Viêm gan virus B: Phác đồ điều trị khuyến cáo sử dụng Tenofovir (300mg/ngày) hoặc Entecavir (0,5mg/ngày). Lựa chọn điều trị cho người bệnh xơ gan mất bù, phụ nữ có thai là Lamivudine (100mg/ngày). Đối với trường hợp kháng thuốc, sử dụng Adefovir phối hợp với Lamivudine.
- Viêm gan virus C: Thuốc được lựa chọn điều trị là Sofosbuvir/Velpatasvir, Sofosbuvir/Ledipasvir hoặc Glecaprevir/Pibrentasvir.
Biện pháp dùng thuốc điều trị triệu chứng viêm gan
Một số thuốc được sử dụng làm giảm bớt các triệu chứng ở người bệnh viêm gan như:
- Thuốc bảo vệ màng tế bào gan: Biphenyl dimethyl dicarboxylate, Dimethylglycine (DMG).
- Thuốc tăng cường chuyển hóa: Giúp tăng chuyển hóa amoniac độc hại thành ure như nhóm Lactulose, L-Ornithin L-Aspartat,...
- Tăng cường các yếu tố đông máu do suy giảm chức năng gan: Vitamin K, Plasma tươi,…
- Thuốc lợi mật, điều trị triệu chứng vàng mắt vàng da: Chophytol, Sorbitol,…
- Thuốc lợi tiểu (sử dụng khi người bệnh tiểu ít): Thường bắt đầu với nhóm kháng Aldosteron (Spironolacton), có thể kết hợp với thuốc lợi tiểu khác như Furosemide.
Thuốc kiểm soát triệu chứng viêm gan virus
Sử dụng các thảo dược giúp phục hồi chức năng gan
Một khi virus xâm nhập sẽ gây tổn thương tế bào gan. Do đó, bên cạnh điều trị nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng, người mắc cần chú ý đến các biện pháp giúp phục hồi lại chức năng gan.
Với sự phát triển của y học hiện đại, việc ứng dụng các thảo dược dân gian vào hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng gan đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thay vì sắc uống toàn bộ cây thuốc để điều trị bệnh gây nhiều bất cập như: Hỗn hợp chứa nhiều tạp chất, liều lượng không được kiểm soát, tốn kém thời gian chế biến. Thì hiện nay, các sản phẩm dạng viên nén ra đời đã giải quyết những bất cập trên, đem lại hiệu quả điều trị cao và được nhiều người bệnh tin tưởng sử dụng.
Một số thảo dược khi phối hợp với nhau làm tăng hiệu quả bảo vệ gan, phục hồi chức năng gan đồng thời giúp gan chống lại những tác nhân gây hại. Ví dụ như sự phối hợp của Silybin trong cây kế sữa với cao diệp hạ châu đắng, cà gai leo, cây lồng đèn,...
Silybin trong cây kế sữa đã được chứng minh trong nhiều bài thuốc cổ truyền, nghiên cứu trên thế giới về tác dụng bảo vệ gan, tăng cường chức năng gan. Mới đây, trong nghiên cứu của SS Sun và cộng sự (2019) về công thức màng tế bào Silybin Phospholipids với khả năng hướng trúng đích cho tác dụng giảm tổn thương ty thể do viêm, tăng cường các phản ứng chuyển hóa tại gan.
Sự kết hợp các thảo dược làm tăng hiệu quả điều trị bệnh viêm gan
Tuân thủ nghỉ ngơi trong thời gian điều trị
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Trong thời kỳ viêm gan tiến triển, người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối.
Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh viêm gan virus. Người bệnh nên tuân thủ chế độ sau:
- Không uống rượu bia và hạn chế sử dụng các thuốc gây hại cho gan.
- Hạn chế các thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
- Tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả tươi trong các bữa ăn hàng ngày.
- Ngủ đủ giấc 7 - 8 tiếng/ngày, tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày giúp cơ thể khỏe hơn và nhanh chóng phục hồi bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh viêm gan virus
Tiêm vacxin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất để tránh lây nhiễm viêm gan virus. Hiện nay đã có vacxin phòng viêm gan A, B. Ngoài ra cần thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh viêm gan virus một cách hiệu quả:
Đối với phòng ngừa virus viêm gan A, E:
- Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh di chuyển tới các vùng dịch tễ phức tạp.
- Ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ thực phẩm trước khi chế biến.
- Phòng ngừa viêm gan virus B, C:
- Không dùng chung bơm tiêm và các vật dụng cá nhân với người khác như bàn chải đánh răng, dao cạo râu,...
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục.
- Chủ động phòng ngừa khi mẹ mắc viêm gan B, C muốn mang thai.
Tiêm vacxin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất để tránh lây nhiễm viêm gan virus
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về 5 loại bệnh viêm gan virus phổ biến hiện nay. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống và sinh hoạt điều độ, sử dụng thảo dược tăng cường chức năng gan để nhanh chóng phục hồi, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy đặt câu hỏi dưới phần bình luận để nhận được sự tư vấn miễn phí từ chuyên gia.
Link tham khảo:
https://www.cdc.gov/hepatitis/statistics/index.htm
https://www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease/viral-hepatitis/hepatitis-b